Trước cảnh sơn kỳ thủy tú, kỳ vĩ huyền bí này, có những người con địa phương, mê đá cảnh đến quên ăn mất ngủ thậm chí cả... gia đình
Nghệ thuật chơi đá cảnh "thạch ngọan" có nguồn gốc từ lâu đời xuất phát từ Trung Quốc, Nhật Bản (còn gọi là siu-se-ki). Những năm qua, tại Việt Nam đã rộ lên phong trào chơi và thưởng ngoạn đá cảnh. Chất thô kệch mà bí ẩn của các khối đá đã cuốn hút trái tim, tâm hồn những người con người đất Việt. Ở đất võ Tây Sơn- tỉnh Bình Định có xã Tây Phú- nơi có thắng cảnh Hầm Hô, khu du lịch sinh nổi tiếng. Lòng sông rộng trên dưới 30m, chi chit những đá tảng muôn hình vạn trạng ẩn hiện lấp lánh bên làn nước trong xanh. Ngôi chùa Đại viên bên sông Đá Hàn xã Tây Phú, huyện Tây Sơn trên đường đi vào thắng cảnh Hầm Hô có hai câu thơ:
Hàng giang thuyết pháp không lưu thủy.
Ngoan thạch văn kinh tận điểm đầu
Trước cảnh sơn kỳ thủy tú, kỳ vĩ huyền bí này, có những người con địa phương, mê đá cảnh đến quên ăn mất ngủ thậm chí cả… gia đình. Họ lặn lội cùng khắp bãi suối, nguồn sông, sườn đồi, núi đá cao, địa hình hiểm hóc, thiên nhiên cảnh tú, kỳ bí… và Trời cũng ban tặng cho họ những viên ngọc thiên nhiên quý giá!
Tết Tân Mão 2011 năm nay khi mai rừng khoe sắc thắm, chúng tôi về tìm gặp lại những cố nhân, lâu nay đã bị đá hút hồn. Đó là các ông Huỳnh Công Lạc, Mai Xuân Nghi… thuộc thôn Phú Thọ, xã Tây Phú. Nhà cửa của họ cạnh bờ sông Đá Hàn nhìn ra một chi lưu của sông Côn chảy ra Phú Phong– Kiên Mỹ … Vùng đất phát tích của anh hùng áo vải Tây Sơn.
Vào nhà họ từ trên xuống dưới, đâu đâu cũng thấy trưng bày đá cảnh, đủ mọi kích cỡ hình thù…Chúng tôi ngơp mắt trong thế giới đá cảnh và tâm đắc với vài tác phẩm sau đây:
I. PHÓ ĐẠI SĨ ( 35cm x 55cm )
Theo văn khố Từ bi âm, vào đời Lục Triều, thời Lương, Võ Đế ( Đức Di Lặc Bồ Tát) hiện thân làm Phó Đại Sĩ ở chùa Song Lâm. Trán nhăn, miệng rộng, bụng bự , thân hình mập mạp. Lưng thường mang một cái túi vải. Nên người đời gọi là "Bồ Đại Sĩ Hòa thượng". Nhiều chư tăng, hòa thượng , trí thức cho đến vua Lương…. hỏi ngài về đạo, ngài đều trả lời trôi chảy. Thái độ tự tại và hành động khác thường khai trí bao kẻ mộ đạo. Ngài chưa đến lúc ra đời giáo hóa chúng sanh, nên thường hóa thân trong mười phương thế giới để thuyết pháp độ sinh. Đây là hình tượng của tư duy, nên thạch phẩm này mang tên PHÓ ĐẠI SĨ. Nguyên vẹn bằng quý thạch thiên tạo!
II. THẦN QUANG DIỆN KIẾN BỒ ĐỀ ĐẠT MA ( 30cm x 43cm)
Đời Hậu Ngụy vua Hiếu Minh năm Thái Hòa thứ 10, Tổ sư vào chùa Thiếu Lâm vô Thạch Động ngồi tịnh quay mặt ngó vào vách đá suốt chín năm. Người đời gọi đó là "Bích Quán Bà La Môn" (Ông Bà La Môn ngó vách). Bấy giờ có ông Thần Quang là người học rộng hiểu nhiều, nghe danh sư đến chùa Thiếu Lâm cầu kiến. Đứng trước cửa rộng nhằm tiết Đông thiên. Mặc đêm tuyết xuống như mưa, lấp cao quá đầu gối, Thần Quang vẫn trì chí đứng yên trước cửa cho đến sáng chờ yết kiến. Và sáng ra ông được diện kiến Tổ sư. Tổ sư cũng rời chùa để hoằng pháp.
III. TÙNG LỘC (60cm x 61cm)
Đá vân, nổi màu trắng vàng. Cảnh đêm trăng trên núi rừng kỳ bí. Hình ảnh nổi bật, cội tùng lớn và bóng con nai vàng đang uống nước. Nhưng thể hiện rõ ràng ở ở một góc độ khác. Nếu ta nhìn bên phải hình đá, phần dưới là một khuôn mặt đầy đặn hiển lộ tự nhiên. Cằm tròn, miệng há cười, mắt mộng mơ… thật khó nói hết được tính ẩn dụ kỳ diệu của đá!
IV. THIÊN THẠCH (6cm x 5,8cm)
Đá đen tuyền , nước không thể bào mòn dẫu lâu đời. Cũng không thể là nham thạch núi lửa. Hòn đá được đốt cháy sạch sẽ. Tạp chất và không khí đánh bóng lại đá khi vào trái đất rồi rơi xuốngđất. Đường nét thật hồn nhiên uyển chuyển và mạnh mẽ nhưng mềm mại.
Có thể nói bộ sưu tầm này của người dân thôn Phú Mỹ - Phú Thọ xã Tây Phú huyện Tây Sơn thật là quý giá!
Nguồn: Người Tây Sơn 2011
Bình luận: