Bánh tráng tây sơn vào tết

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Cuối tháng Chạp, chúng tôi về thăm một số làng nghề tráng bánh tráng ở huyện Tây Sơn. Ði trên đường làng, dễ dàng cảm nhận mùi ấm nồng của trấu om, mùi thơm của bánh gạo mới ra lò. Thời điểm này, các lò đều đỏ lửa suốt ngày để sản xuất phục vụ thị trường tết.

Phơi bánh tráng ở Phú Thọ. Ảnh: NGUYỄN HÂN

Thôn Phú Thọ (xã Tây Phú) có khoảng 30 hộ làm nghề tráng bánh tráng. Chứng kiến công đoạn tráng bánh bên bếp lửa hồng, chúng tôi càng hiểu hơn về đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây. “Ngày nay, ở nhiều nơi người ta đã làm bánh tráng bằng máy. Dân ở đây vẫn làm bánh tráng theo phương pháp thủ công, bà con chúng tôi cốt giữ lấy nghề nên chỉ lấy công làm lời thôi. Nhưng vẫn có nhiều người chuộng loại bánh tráng thủ công này. Hằng ngày, bắt đầu nổi lửa từ 4 giờ sáng và làm miết cho tới chiều, chẳng mấy lúc ngơi tay, từ ngâm gạo, xay bột, trộn mè, cho đến đốt lò, tráng bánh và trải bánh ra phơi” - bà Châu Thị Nương- người có thâm niên gần 20 năm tráng bánh tráng ở Phú Thọ - tâm sự.

Lò tráng bánh thủ công chỉ có từ 1 đến 2 người làm, bánh tráng có hình tròn. Còn các lò sử dụng máy ở Kiên Long, Kiên Ngãi - xã Bình Thành thì nhộn nhịp hơn, mỗi lò có từ 5 đến 10 người làm; bánh tráng máy có hình vuông. Theo bà Nguyễn Thị Kiến, một thợ tráng bánh ở thôn Kiên Ngãi, mặc dù là sử dụng máy, nhưng để tráng được chiếc bánh vuông vức, dẻo ngon thì cũng phải có sự khéo léo của bàn tay người thợ.

Chúng tôi đến thăm cơ sở tráng bánh của gia đình bà Nguyễn Thị Tiệm khi bà đang đưa về thêm 100 chiếc phên mới để phơi bánh. Bà cho biết, vào mùa bánh Tết, lò tráng bánh nào cũng tăng “công suất”, làm nhiều hơn hẳn so với ngày thường. Tùy theo kích cỡ, chủng loại bánh nhúng hay bánh nướng, bánh tráng có giá bán 4.500 đồng/xấp mỏng (10 cái/xấp), 25.000 đồng/xấp dày, nếu trừ chi phí thì người làm bánh có thu nhập từ 100 ngàn đến 150 ngàn đồng/ngày, và còn ít bột, bánh rẻo tận dụng để nuôi heo. Tuy đây là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho bà con địa phương.

Hoạt động sản xuất bánh tráng vụ Tết nhộn nhịp ở các lò bánh trên địa bàn huyện, công việc tất bật đến mức không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng ai cũng thấy vui vì bánh làm ra được thị trường ưa chuộng, có thu nhập khá hơn để sắm tết đủ đầy hơn. Có thể nói, nghề làm bánh tráng không chỉ là nghề kiếm sống của một bộ phận người lao động ở khu vực nông thôn, mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương; mang theo hương vị hạt gạo quê hương để làm nên những món ngon trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

NGỌC HÀ - MINH NGỌC
Nguồn: baobinhdinh.com.vn


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: