Tây Sơn là một huyện trung du, nằm phía tây nam của tỉnh Bình Định; phía Bắc giáp huyện Phù Cát, Nam giáp huyện Vân Canh và An Khê, Tây giáp huyện Vĩnh Thạnh, Đông giáp huyện An Nhơn. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên là 692,96km (theo số liệu điều tra ngày 01 tháng 01 năm 2010); dân số là 123.600 người (số liệu ước tính trung bình năm 2010). Phát huy truyền thống anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, quân và dân Tây Sơn đã làm nên nhiều chiến thắng vang dội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những chiến công, thành tích, đóng góp to lớn trong kháng chiến giải phóng dân tộc, đến nay huyện Tây Sơn và 14/15 xã, thị trấn trong huyện đã được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Chiến tranh kết thúc, song hậu quả của nó để lại hết sức nặng nề. Các hoạt động kinh tế, xã hội bị đình đốn, 4.600 ngôi nhà bị sụp đổ, trên 5.000 ha ruộng đất bị hoang hóa. Hạ tầng kinh tế- xã hội vô cùng nghèo nàn thiếu thốn. Trong gần 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trước bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp; tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; các thế lực thù địch không ngừng chống phá sự nghiệp cách mạng, nhân dân Tây Sơn đã chung sức, chung lòng, chủ động khắc phục mọi khó khăn, phát huy tiềm năng và lợi thế, xây dựng huyện nhà đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng và chuyển biến khá toàn diện.
Nền kinh tế liên tục tăng trưởng và phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Giá trị các ngành sản xuất chính, giai đoạn 1976 - 1980 đạt 5,1%; giai đoạn 2001 đến nay, đạt 14%/năm. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 32,5%;thương mại, dịch vụ du lịch 42,7%; nông, lâm, ngư nghiệp 24,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12,43 triệu đồng/năm (5 năm gần đây).
Đặc biệt trong những năm gần đây, đã đầu tư bê tông xi măng, nhựa hóa nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, như: tuyến giao thông phía Tây tỉnh; tuyến Quán 50 ( xã Bình Thành)- Bình Thuận; tuyến Bình Thành- Hà Nhe (huyện Vĩnh Thạnh); tuyến Quốc lộ 19- Làng Cam (xã Tây Xuân)... và nhiều công trình giao thông ở thị trấn, thị tứ, ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện đảm bảo thông suốt, thuận tiện vào mùa mưa bão. Để đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhiều công trình thủy lợi đã và đang được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa lớn, như: hệ thống kênh mương Thuận Ninh; hồ Hóc Đèo; hồ Bàu Dầu; kênh mương Lộc Giang; kênh mương nội đồng; kè chống sạt lở đê, sông ở những vị trí xung yếu, từng bước phát huy tác dụng đem lại hiệu quả thiết thực.
Nhiều khu dân cư mới cũng đã hình thành. Cơ bản hoàn tất các hạng mục chính khu dịch vụ đê bao sông Côn; nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác được triển khai trên địa bàn thị trấn Phú Phong, phấn đấu xây dựng thị trấn trở thành đô thị loại IV vào năm 2015. Các cụm công nghiệp, làng nghề đã, đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài huyện, đăng ký tham gia phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Bến xe khách Phú Phong đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Tây Sơn trong giao lưu, làm ăn, học tập.v.v...
Cầu mới Phú Phong đã hình thành nối liền hai bờ Bắc - Nam sông Côn, tạo điều kiện cho việc giao lưu, đón khách đến thăm Bảo tàng Quang Trung, về với Hội Đống Đa và các danh lam thắng cảnh của quê hương Tây Sơn ngày càng tăng.
Nhiều công trình văn hóa, lịch sử phục vụ đời sống xã hội được xây dựng, nâng cấp, tôn tạo như: Bảo tàng Quang Trung, công viên Trung tâm, khu du lịch sinh thái Hầm Hô, đền thờ Bùi Thị Xuân, tháp Dương Long... xây dựng và lắp đặt trạm tiếp phát truyền hình ở thị trấn Phú Phong và vùng sâu thôn Hòa Hiệp (xã Bình Tường), xã Vĩnh An, đưa tỷ lệ 100% địa bàn khu dân cư huyện được phủ sóng phát thanh - truyền hình. Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong từng bước nâng cao chất lượng; toàn huyện có 15/15 trạm y tế xã, thị trấn đạt
chuẩn quốc gia.
Hai trung tâm đào tạo nghề của huyện đã góp phần tích cực trong việc dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Các công trình trọng điểm như: Thủy điện An Khê- Kanak, Tiên Thuận, đập dâng và hệ thống kênh mương Văn Phong cũng như một số công trình quan trọng khác đang được khởi công xây dựng, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ phát huy tác dụng, thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện nhà phát triển nhanh chóng.
Sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Trước giải phóng, trên địa bàn mỗi xã chỉ có một điểm trường Tiểu học; toàn huyện chỉ có một điểm trường Trung học tại trung tâm huyện lỵ. Đến nay, mạng lưới trường học phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện; mỗi thôn đều có điểm trường mẫu giáo và trường tiểu học; mỗi xã có một trường Trung học cơ sở; toàn huyện có 4 trường Trung học phổ thông. Huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; hiện nay đang tổ chức triển khai phổ cập trung học phổ thông. Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học từ năm 2000 đến nay đã xây dựng trường, lớp học kiên cố trên địa bàn, đảm bảo phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương.
Các chính sách an sinh xã hội cũng được chú trọng triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo cuộc sống cho các đối tượng chính sách, người nghèo, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Tỷ lệ hộ nghèo từ 37% năm 1999, đến nay giảm còn 10%; hộ khá, giàu tăng lên đáng kể; người dân lúc gặp hoạn nạn, khó khăn được cộng đồng kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ; đã xây dựng trên 1.000 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, gia đình nghèo. Trong toàn huyện có 99% hộ dân dùng điện; 90% hộ dùng nước hợp vệ sinh.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đem lại hiệu quả thiết thực; số lượng gia đình, đơn vị văn hóa được các cấp công nhận hằng năm đều tăng. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống được thường xuyên tổ chức sôi nổi vào dịp các ngày lễ, tết, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Tóm lại, qua 35 năm xây dựng, quê hương Tây Sơn đến nay đã có nhiều thay đổi: nền kinh tế từ thuần nông với cơ sở vật chất nghèo nàn đã chuyển sang sản xuất hàng hóa; kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân được tăng cường đầu tư. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa- xã hội chuyển biến tiến bộ rõ nét. Nét nổi bật của quá trình phát triển kinh tế- xã hội của huyện Tây Sơn những năm gần đây là tiến trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh chóng, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.
Từ những kết quả đạt được, những kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn, với truyền thống đoàn kết một lòng, với đường lối đổi mới vô cùng đúng đắn của Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, tin tưởng rằng nhân dân Tây Sơn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng huyện nhà phát triển toàn diện, xứng đáng là quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ.