Men theo quốc lộ 19 đi Tây Nguyên, cách thị trấn Phú Phong chừng 4 km, bắt gặp con đường bê tông rẽ trái (hướng Tây Nam), độ đốc con đường cứ cao dần đến Truông Rễ. Đó là con đường độc đạo dẫn vào thôn Hòa Hiệp (Đồng Dụ), xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Hòa Hiệp là một trong ba thôn của xã Bình Tường, có diện tích tự nhiên trên 2. 000 ha; Tây Nam giáp xã vùng cao Vĩnh An (dân tộc); Tây Bắc giáp xã vùng cao Tây Giang (vùng kinh tế mới); Đông Nam giáp xã miền núi Tây Phú. Vị thế địa hình chẳng khác nào chiếc hũ thiên nhiên, mà vỏ bọc là 3 xã tiếp giáp: Tây Phú - Vĩnh An - Tây Giang với nút đậy là Truông Rế (từ năm 1977-1980 đã có dự án đắp hồ chứa nước Phú Phong, nhưng không thành). Khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt mùa hạ, lạnh giá mùa đông, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ nhỏ và người già, lo lắng đau yếu bệnh tình bất thường xảy ra, mà bệnh viện huyện cách xa hơn mười cây số. Dân số chừng 3.326 người, hầu hết người dân làm ruộng là kế sinh sống chính, quanh năm dãi dầu mưa nắng cùng đồng ruộng, mảnh vườn; nhưng điều kiện tự nhiên ở đây là ruộng bậc thang mà chưa có công trình thủy lợi lớn, nước tưới chủ yếu là nước trời, nước những bàu ao (đang bị lấp cạn dần theo ngày tháng). Giao thông đi lại thật khó khăn hạn chế, chưa được bê tông hóa; đường liên xóm có chăng là những bờ ruộng quen dấu chân người. Mùa màng bấp bênh nên phần đông trai, gái làng phải bôn ba nơi đất khách quê người lao động kiếm thêm thu nhập, hỗ trợ nguồn sống gia đình.
Về đời sống kinh tế, những hộ gia đình đủ ăn, đủ mặc không phải ít, song hộ nghèo, khó khăn không phải hiếm (187/763 chiếm tỉ lệ 24,51%) so với mặt bằng toàn xã là 21%. Đời sống vật chất thiếu thốn cộng với lối suy nghĩ bảo thủ bám víu "con trâu-mảnh vườn" nên việc học hành của con em hầu như phó mặc, số học sinh THCS (đang học ở trường PT dân tộc bán trú Tây Sơn thuộc xã Vĩnh An, nhưng học sinh không được hưởng chế độ chính sách của trường dân tộc bán trú), THPT rơi rớt dần, đại học thì tính trên đầu ngón tay; thử hỏi lấy đâu những chủ nhân tương lai để phát huy nội lực trong công cuộc Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa quê nhà. Đã bao lần nhân dân Hòa Hiệp kính đơn kiến nghị quý cấp mong được hưởng chế độ, chính sách vùng khó khăn.
Ngày nay trong công cuộc xây dựng đất nước, có thể nói rằng Hòa Hiệp đã và đang ngày càng khởi sắc vươn lên. Những ngôi nhà mái đỏ thay dần những mái tranh ọp ẹp; ánh sáng neon thay ngọn đèn dầu. Ngôi trường tiểu học khang trang đón nhận trẻ thơ đến lớp… Song với yêu cầu nông thôn mới, Hòa Hiệp còn nhiều khó khăn không thể tự lực cánh sinh được nếu như không có sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước. Giá như Hòa Hiệp được Nhà nước xếp vào diện thôn khó khăn để được hưởng chế độ, chính sách vùng khó khăn thì chắc hẳn cơ may đi lên rõ nét; lòng dân ngày càng không ngừng củng cố, tin tưởng, phấn khởi xây dựng quê nhà trù phú.
Với tấm tình mộc mạc chân quê, truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó; tinh thần ý chí quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp của người dân Hòa Hiệp; được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, có lẽ một ngày không xa Hòa Hiệp là một "nông thôn mới" như ý Đảng, lòng dân.
Nguồn: Người Tây Sơn 2012
Bình luận: