Nghệ thuật thời tây sơn

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Thực tế xã hội sôi động suốt thế kỷ XVIII mà cao trào là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, thật sự đó là chất xúc tác mạnh mẽ, là nguồn cảm hứng dồi dào. Khi được cởi trói trong lao động sáng tạo, tình cảm người nghệ sĩ được giải phóng, lý tưởng sáng tạo được nâng cao thì văn học, nghệ thuật được bay bổng thăng hoa.

Hàng năm, tết đến xuân về, đông đảo người dân  Hà  Nội  tự  hào  kéo  nhau  về  gò  Đống Đa để vui chơi và hồi ức tưởng nhớ lại một mùa xuân lịch sử.

Tượng Tuyết Sơn

Xuân  năm  Kỷ  Dậu  (1789)  cách  đây  hơn  200 năm, một tiết xuân rực rỡ chiến công huy hoàng - chỉ trong vòng 5 ngày đêm của đầu xuân năm ấy, dân  tộc  ta  dưới  sự  lãnh  đạo  tài  tình  của  Nguyễn Huệ - Quang Trung qua các trận chiến thắng Ngọc Hồi,  Khương  Thượng,  Đống  Đa  đã  quét  sạch  20 vạn  quân  xâm  lược  Mãn  Thanh,  giải  phóng  kinh thành Thăng Long và thống nhất đất nước. Đó là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và là một khúc hùng tráng của bản anh hùng ca bất diệt,  một  bước  tiến  huy  hoàng  của  lịch  sử  Việt Nam.

Sau  khi  chiến  thắng  ngoại  xâm,  thống  nhất đất nước, Quang Trung đã quyết tâm phục hồi cải cách nền kinh tế đất nước đã bị suy sụp trước đây và  ra  sức  xây  dựng  phát  triển  nền  văn  hoá  dân tộc. Dưới thời Tây Sơn, chúng ta thấy có một Ngô Thời  Nhậm,  một  Phan  Huy  Ích  là  những  nhà  văn chính luận tiêu biểu vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao uyên bác và một Nguyễn Du với một truyện Kiều, một Đoàn Thị Điểm với Chinh Phụ Ngâm, một Nguyễn Gia Thiều với Cung Oán Ngâm Khúc, một Hồ Xuân Hương với dòng thơ châm biếm, trào lộng kiệt  tác.  Dù  các  nhà  văn,  nhà  thơ  tài  hoa  lỗi  lạc ấy  đã  sinh  ra  trước  và  mất  sau  thời  kỳ  Tây  Sơn, nhưng  họ  đã  khước  từ  tư  tưởng  trung  quân  của thời đại phong kiến trước đó, đến với chính nghĩa, đứng về phía quần chúng, gắn liền với phong trào nông dân khởi nghĩa Tây Sơn.

 Một góc thành Hoàng Đế

Bên cạnh văn thơ thì nghệ thuật tuồng, chèo, dân ca gắn liền với cuộc sống người dân trong cả nước khắp miền ngược xuôi, vô cùng phong phú, mà quê hương Tây Sơn là một trong những cái nôi của nghệ thuật tuồng, hát bội đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII. 

Theo  truyền  thuyết  thì  Nguyễn  Huệ  rất  đam mê  hát  bội  và  ông  đã  từng  cùng  với  tướng  lĩnh diễn tuồng và lấy hát bội làm phương tiện giải trí và giáo dục cho quân lính. Song song với văn học, thơ ca, tuồng, chèo, hát bội thì mỹ thuật cũng có chỗ đứng xứng đáng với tầm cỡ lịch sử ở cuối thế kỷ  XVIII  gắn  liền  với  phong  trào  khởi  nghĩa  Tây Sơn. Nhiều người nghệ sĩ nhân dân không tên tuổi nhưng tác phẩm công trình của họ thì tồn tại vĩnh cửu  trong  không  gian  và  sống  mãi  với  thời  gian. Thật vậy, cùng với truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung  Oán  Ngâm  Khúc,  Nhị  Độ  Mai  …thì  hơn  20 pho tượng tròn đặt tại chùa Tây Phương là những công trình nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời được các nghệ sĩ vô danh sáng tác dưới thời Tây Sơn, xứng đáng với tầm cỡ nghệ thuật thế giới. Trong các pho tượng  ở  chùa,  ngoài  nhóm  tượng  phật  A-Di-Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí được sáng tác theo một  công  thức  nhất  định  với  lý  tưởng  phật  giáo, còn lại là pho tượng Tuyết Sơn, Kim Cương và nhất là 18 pho tượng các vị Tổ được các nghệ sĩ vô danh sáng  tác  với  tình  cảm  tự  do,  phóng  khoáng,  cởi mở, sinh động và hiện thực. 

Nếu  Nguyễn  Du  đã  để  lại  cho  chúng  ta  một Thuý Kiều, một Từ Hải... thì người nghệ sĩ vô danh đã dành cho chúng ta một nụ cười sảng khoái, hồn nhiên, bình dị được gắn liền với vị tổ Da Nan Đề, và muốn có một nụ cười đầy hoan hỷ mà kín đáo và thông minh xin hãy đến với vị tổ Nan Đa. Tìm đến với  cái  khổ  hạnh,  chịu  đựng  trong  con  người  gầy khô, xương xẩu mà đầu óc vẫn tỉnh táo, sáng suốt với vầng trán rộng cao, xin hãy chiêm ngưỡng pho tượng Tuyết Sơn. Còn cái phong lưu, đài các uyền uy được thể hiện ở vị tổ La Hầu La Đa…

Người nghệ sĩ vô danh với lý tưởng nghệ thuật, qua ý niệm Phật giáo, nhuần nhuyễn giữa Đạo và Đời,  họ  đã  tạc  ra  những  pho  tượng  không  thuần tuý  là  tượng  phật  mà  là  những  mẫu  người  ngoài xã hội dưới thời Tây Sơn được nghệ thuật hoá một cách  sâu  đậm  dưới  tầm  cao  của  tính  nhân  văn. Người nghệ sĩ vô danh ấy với tài nghệ của mình đã đưa thế giới đời thường vào cuộc sống nghệ thuật trong không gian Phật giáo và dẫn dắt chúng ta đi vào một thế giới tâm linh rộng mở, cao siêu, uyên thâm mà vẫn bình dị, thực tế chứ không phiêu diêu cực lạc hay trần tục lố lăng.

Bàn  về  nghệ  thuật  thời  kỳ  Tây  Sơn,  ngoài điêu khắc, còn có hội họa, trang trí, thẩm mỹ môi trường,  nhất  là  môi  trường  kiến  trúc  như  Thành Hoàng Đế, Phượng Hoàng Trung Đô, Đàn Tế Trời. Năm 982 người Chăm từ Quảng Nam vào đây dựng thành Đồ Bàn, đến năm 1471 thì Thành Đồ Bàn bị phế. Mãi khi Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc xây thành Hoàng Đế trên nền thành Đồ Bàn vào năm 1776.  Theo  các  sách  nghiên  cứu  về  Chămpa  thì Nguyễn Nhạc là người đã giữ lại các con vật bằng đá  trang  trí  của  người  Chăm  trong  thành  bố  cục Hoàng thành mới của mình.

Đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết

Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết; nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ  đang  bị  quân  Thanh  xâm  chiếm.  Ngôi  thành  này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng hoàng, một loài chim  trong  truyền  thuyết.  Trung  Đô  còn  có  ý  nghĩa  là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát. Năm 1788, Quang Trung giao cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đến vùng Yên Trường thị sát chọn vùng đất giữa núi Quyết và núi con Mèo (Kỳ lân) vì thấy nơi đây là đất “thiêng” hội tụ đầy đủ bốn con vật thiêng mà cha ông đã ngàn đời tôn vinh thờ cúng là: Long - Ly - Quy - Phượng để xây thành gọi là thành Phượng Hoàng Trung Đô. Trong thư gửi Nguyễn Thiếp (3 tháng 10 năm 1789),  nhà  vua  viết:  “Trẫm  nay  đóng  đô  tại  Nghệ  An, cùng  tiên  sinh  gần  gũi.  Rồi  đây,  Tiên  sinh  hãy  ra  đây giúp nhau mà trị nước”. Kinh đô ở Yên Trường tuy còn sơ sài nhưng thực sự đã được xây dựng. Khi xây dựng “Phượng  Hoàng  trung  đô”,  Quang  Trung  có  viết  chiếu mời  Nguyễn  Thiếp  ra  xem  đất.  Điều  trên   đã  nói  lên quan niệm: “Thiên nhân hợp nhất”- con người gắn liền với thiên nhiên trong triết học Phương Đông - ôn lại thời kỳ Tây Sơn, chúng ta thấy cuộc đời của Nguyễn Huệ - Quang Trung, một con người lý tưởng cao cả, sự nghiệp vẻ  vang  cùng  với  tài  năng,  phẩm  chất,  tính  cách  độc đáo trung thành rất mực với nhân dân, không lùi bước trước  kẻ  thù,  là  một  bài  ca  tuyệt  đẹp  của  người  anh hùng áo vải mà Công chúa Ngọc Hân đã ca ngợi :

Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình

Cuối cùng chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực tế sôi động ngoài xã hội suốt thế kỷ XVIII mà cao trào là cuộc khởi  nghĩa  Tây  Sơn.  Đó  là  chất  xúc  tác  mạnh  mẽ,  là nguồn cảm hứng dồi dào trong lao động sáng tạo, tình cảm người nghệ sĩ được giải phóng, lý tưởng sáng tạo được nâng cao và văn học, nghệ thuật được bay bổng thăng hoa.

Nguồn: Người Tây Sơn 2011


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: