Khán giả đến với nghệ thuật sân khấu tuồng không chỉ để tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của một vùng, của một dân tộc mà còn bị thuyết phục bằng chính những nét đẹp, những giá trị "đỉnh cao" của nghệ thuật cổ truyền mà nghệ sĩ Tư Cá hằng theo đuổi.
Nghệ sĩ Tư Cá |
Nghệ sĩ Tư Cá tên thật là Nguyễn Siểng sinh ngày 12 tháng 2 năm 1920 tại Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.
Năm lên 14 tuổi, Tư Cá theo gánh tuồng của ông bầu Chưu con cụ Bát Phàn để học hát. Nhờ ham học và chất giọng tốt, cộng với sự chỉ bảo tận tình của thầy nên chẳng bao lâu Tư Cá biểu diễn khá thành công một số vai như "Tống Nhân Tôn" (trong vở Bàng Quí Phi), "Quan Công" trong các vở "Hồi cổ thành" và "Phục Huê Dung Lộ" ... Năm 1939 Tư Cá theo thầy trò bầu Chưu vào Phan Rang hát cho gánh Bình Lạc Ban của ông Quảng Đạo.
Những năm 1940-1941, Tư Cá sang hát gánh Nhơn Thuận của ông Mười Đậu do ông Bầu Quế – Nhơn Thuận là em ông Mười Đậu làm trưởng đoàn. Gánh này qui tụ nhiều diễn viên nổi tiếng. Ngoài Tư Cá còn có các kép Tư Lửa ở An Nhơn, Hai May ở Tuy Phước; đào có: Thủy Triều ở Bình Khê, Hanh Đào ở Quy Nhơn ...Trong giai đoạn chín năm kháng chiến chống Pháp, Tư Cá cùng hai người khác tham gia tổ thông tin xã Bình Thành, làm nhiệm vụ tuyên truyền cổ động nhân dân thực hiện các phong trào cách mạng, tổ chức các đêm biểu diễn văn nghệ phục vụ kháng chiến, nhận rải truyền đơn Việt Minh sau các đêm hát ... trong thời gian này Tư Cá có sáng tác một số bài vè đả kích giặc sau đó bị chúng bắt tra tấn, đánh đập dã man.
Sau năm 1954 để tránh sự khủng bố của giặc, Tư Cá cùng Hoàng Chinh, Long Trọng lên An Khê hợp với một số diễn viên ở đây lập gánh Bình An (tức Bình Định và An Khê), hát chưa được bao lâu thì bị địch bắt vì tình nghi hoạt động cộng sản, gánh hát vì thế mà tan rã. Sau đó Tư Cá lại về gánh Hòa Bình do ông Ba Mỹ (tức xã Quế ) ở Đập đá làm trưởng đoàn, hát cùng với các diễn viên khác như: Hồng Thu, Tư Lửa, Sáu Lâm ...Rồi lại đến gánh Quốc Hoa của ông Mạc Như Tòng ...
Đầu năm 1961,Tư Cá lên Kon Tum và gặp các cặp vợ chồng Minh Đỏ – Ngọc Tân, Hoàng Chinh – Hồng Thu ở đây. Thế là cùng nhau thành lập đoàn hát bội Tân Long (ngày 17- 1- 1961) do Minh Đỏ làm trưởng đoàn một thời gian sau chuyển cho Tư Cá. Từ Kon Tum đoàn hát xuống Pleiku, An Khê và Phú Phong. Năm 1974, khi đoàn hát tại Đập đá thì Tư Cá bị địch bắt cùng với Tám Thanh, Long Trọng.
Nghệ sĩ Tư Cá trong vở Tam Quốc Chí diễn tại rạp Hồng Lạc (Phú Phong) 1970 |
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 10 năm đó, Tư Cá đưa đoàn Đồng Ấu –Tây Sơn về gia nhập với Đoàn tuồng Liên Khu V lúc này là Đoàn tuồng Bình Định, ngày nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn. Về công tác tại Nhà hát tuồng Đào Tấn, Tư Cá trực tiếp tham gia biểu diễn, ông đã đóng thành công khá nhiều vai trong các vở tuồng lịch sử và hiện đại do Nhà hát tuồng dàn dựng như vai Phó Rí trong vở (Ba Tơ khởi nghĩa) ; Lý Đạo Thành trong vở "Lý Thường Kiệt" Tư Cung trong vở "Ngọn lửa Hồng Sơn", Nguyễn Nhạc trong vở "Quang Trung đại phá quân Thanh".
Ngoài ra ông còn tham gia công tác giảng dạy, tận tâm đem những kiến thức về bộ môn kịch hát truyền thống và những ngón nghề riêng, tinh hoa nghệ thuật mà ông tích lũy được trong cuộc đời diễn viên của mình truyền thụ cho lớp trẻ.
Đầu năm 1980 tại Hội diễn sân khấu chuyên nhgiệp toàn quốc, Tư Cá được Bộ Văn hóa tặng giải thưởng trong vai diễn Nguyễn Nhạc vở "Quang Trung đại phá quân Thanh".
Đến tháng 5-1980, vì sức khỏe yếu nên Tư Cá nghỉ công tác, rời Nhà hát tuồng Đào Tấn về Tây Sơn tham gia phong trào tuồng nghiệp dư của huyện, xây dựng, chỉ đạo đoàn tuồng Tây Sơn mà diễn viên là phần lớn con cháu trong nhà.
Sân khấu Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) |
Quá trình hoạt động nghệ thuật tuồng, Tư Cá vừa biểu diễn vừa giảng dạy. Ngoài lớp học trò ông tham gia đào tạo Nhà hát tuồng Đào Tấn và nhiều anh chị em khác mà hầu hết cho đến nay vẫn còn đứng vững trên sàn diễn, còn có 4 con gái: Thu Sương, Thanh Sa, Thanh Sử, Hoa Sen, 2 cháu Hiền Lương, Kim Xuyến, và các chị Cam Hoa, Bùi Ngọc Trinh, Minh Phượng... Hiện đang hát cho Nhà hát tuồng Đào Tấn và các đoàn nghiệp dư trong tỉnh.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, từ một chú bé học hát, Tư Cá đã trở thành diễn viên sân khấu tuồng với giọng ca mượt mà truyền cảm, với lối diễn xuất điêu luyện thần tình, tài hoa và hào hoa, ông đã đi vào lòng người xem tuồng Bình Định được xếp trong "Bộ tứ" (Hoàng Chinh- Long Trọng– Tư Cá– Ngọc Cầm) một thời nức tiếng khắp các tỉnh miền Trung.
Mùa xuân này nghệ sĩ Tư Cá đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng sân khấu tuồng ở Bình Định đã có những bước phát triển mới, đã dàn dựng, biểu diễn một số vở tuồng tiểu thuyết, tuồng truyện bên cạnh các vở tuồng đồ, tuồng thầy, tuồng pho, làm phong phú loại hình biểu diễn trong các tầng lớp khán giả. Khán giả đến với nghệ thuật sân khấu tuồng không chỉ để tìm những hồi ức quá khứ, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của một vùng, của một dân tộc mà còn bị thuyết phục bằng chính những nét đẹp tự thân được hun đúc bao đời nay, những giá trị "đỉnh cao" của nghệ thuật cổ truyền mà nghệ sĩ Tư Cá hằng theo đuổi.
Nguồn: Người Tây Sơn 2011
Bình luận: