Giờ đây ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi về thăm quê nhiều hơn, cảm xúc chắc chắn cũng khác hơn theo thời gian, biến động của cuộc sống.
Quê hương Tây Sơn không phải nơi tôi được sinh ra. Trong ký ức tuổi thơ, quê tôi là miền đất đặc biệt qua lời mẹ kể , qua nỗi nhớ nhung của mẹ, qua lời bài hát "miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi… Dừa xanh xanh Bình Định" …
Và tất cả vỡ òa ngày thống nhất đất nước, má tôi hăm hở đưa chúng tôi về quê Tây Sơn– Bình Định. Phải mất tới sáu ngày từ Hà Nội nào tàu nào xe, rồi chờ xe, rồi đổi xe… Cuối cùng: lần đầu tôi đặt chân lên mảnh đất quê hương!
Cô tôi (người chị gái duy nhất còn lại của ba tôi) vừa đi chợ về, vứt vội cái giỏ nặng trên tay, ôm chầm lấy má tôi khóc nghẹn ngào vì vui mừng, và cả xót xa nữa (vì ba tôi đã không còn sống để về nơi chôn nhau cắt rốn sau hơn hai mươi năm xa cách)
Sau đó, hình ảnh quê hương trong cô bé con 10 tuổi là tôi lúc ấy đã trở nên rõ ràng cụ thể hơn.
Quê hương của tôi lúc ấy là vườn nhà bà ngoại với bao nhiêu là cây ăn trái xoài, mít, ổi, thị, thơm, mãng cầu, dừa , củ mì… nhà xây bằng đá ong, giếng nước đá ong; là những buổi tắm suối nước trong đến có thể đếm từng viên sỏi dưới đáy, là chiều chiều lên núi ngay sau nhà ngoại hái sim. Dì Út nói: "Nó (là tôi ) hái được trái nào lủm ngay trái đó" còn dì thì mang về cả bịch sim chín cây ngọt lành cho cả nhà. Quê hương còn là các món ăn đặc biệt ngon của Ngoại mà tôi chưa từng được biết đến trước đây, là canh mít non nấu, xào, là bột nhứt quậy ăn sáng , là canh gà nấu lá giang hái ở bờ rào, là mắm cá thu chưng…
Đôi khi tôi còn được ăn thịt bê nướng tuyệt ngon nữa (lý do là các chú bê khờ dại ăn phải lá mì - vùng bà ngoại tôi ở chủ yếu trồng mì- nên bê ta bị... say!) Chủ của chúng phải năn nỉ hàng xóm tiêu thụ thịt dùm. Bà ngoại tôi thì mừng vì có món ngon đãi cháu (chợ rất xa, nên một tuần bà mới đi bộ đi chợ một lần). Riêng má tôi thì cằn nhằn vì lo tới mùa bà ngoại phải trả lại bằng lúa, không còn đủ gạo để ăn… Với một con bé sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thời bao cấp còn nhiều thiếu thốn, với tôi quê hương, quả là "xứ sở thần tiên"!
Giờ đây ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi về thăm quê nhiều hơn, cảm xúc chắc chắn cũng khác hơn theo thời gian, biến động của cuộc sống.
Và trong bề bộn, nơi thành phố sôi động này, tôi lại dường như một lần nữa tìm thấy hình ảnh thân thương của quê mình. Qua những con người cụ thể - những người con Tây Sơn thành lập và duy trì hoạt động "Hội đồng hương Tây Sơn tại TP.HCM".
Tôi cảm động vì không chỉ các cô chú, các bác đã gắn bó lâu năm với quê hương mà cả các anh các chị, các bạn còn rất trẻ trong hội đồng hương cũng một lòng hướng về quê hương, trăn trở, sáng tạo, không tiếc thời gian, công sức suy nghĩ làm gì để có thể hỗ trợ hiệu quả nhất cho bà con Huyện nhà; làm cầu nối gắn kết, là nơi san sẻ tình cảm, chia vui sẻ buồn, hỗ trợ lẫn nhau cho bà con đang sinh sống tại thành phố? Tham gia các cuộc họp của Ban Liên lạc Đồng hương, tôi ngạc nhiên vì tính nghiêm túc, chuẩn bị cẩn thận, chu đáo tại các cuộc họp này, thậm chí đôi khi các tranh luận còn rất thẳng thắn, lúc nào cũng kéo dài thời gian vì các quan điểm khác biệt. Tôi quan sát và trộm nghĩ phải chăng đó là các tính cách tiêu biểu của người quê mình: "Siêng năng, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ, tình nghĩa, yêu, ghét đều ở mức độ cao nhất, rõ ràng, không chấp nhận khoan nhượng, thỏa hiệp với các biểu hiện chưa đẹp…"
Hay nói nôm na là không dễ tính, là khác biệt so với đặc điểm của người "dễ dãi" hay "thanh lịch" như một số vùng, miền mà tôi có cơ hội đi qua và sinh sống.
Vâng, cảm ơn Hội đồng hương Tây Sơn tại TP.HCM đã cho tôi hiểu và thêm yêu quý quê mình. Đã nhiều lần, khi nhích từng mét trong dòng xe cộ vô tận của thành phố, tôi lại mơ về một cuộc sống đầy nắng và gió, sông dài núi rộng cùng những con người chân chất, nhưng không dễ tính nơi quê hương tôi.
Tại sao không? Lá rụng về cội mà .
Nguồn: Người Tây Sơn 2011
Bình luận: