Nhà văn trương văn dân, ngày trở về

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Trương Văn Dân sinh năm 1953, tại huyện Tây Sơn. Sau khi học Trung học ở Quy Nhơn, năm 1971, ông du học ở Italia chuyên ngành hóa và công nghệ dược. Từ năm 1980, ông chuyên về nghiên cứu và phát triển dược phẩm, sau làm Giám đốc Kỹ thuật cho một nhà máy sản xuất thuốc thú y của một tập đoàn lớn của Ý chuyên về ngành này. Hiện nay, ông đã đưa gia đình về Việt Nam và sống ở quận Bình Thạnh, TP. HCM

Bao lâu rồi, ông mới trở về nhà?
- Hành trình đi đi về về của tôi cũng dày lắm. Xa quê hương từ năm 1971 thì 10 năm sau đó, tôi đã quay lại rồi. Và cứ thế, hàng năm tôi đều thiết lập kế hoạch để có cớ về thăm nhà thường xuyên hơn (cười).

Cơ may nào dẫn dắt một chuyên gia hóa dược đến với con đường văn chương?
- Ngày xưa, tôi cũng máu làm thơ lắm, nhưng thời ấy cuộc sống mưu sinh đầy những khó khăn, nên giấc mơ cứ trôi đi… Mãi đến khi đặt chân lên xứ người, tôi mới có cơ hội tiếp cận nhờ làm Trưởng ban báo chí, phụ trách tờ báo sinh viên ở Milano. Tuy nhiên, niềm đam mê chỉ chính thức “sống lại” khi tôi bắt tay viết và dịch một số truyện ngắn, gửi đăng ở các tạp chí văn chương trong và ngoài nước. Đặc biệt, "Hành trang ngày trở lại" là tập truyện ngắn đầu tay của tôi được Nhà xuất bản Trẻ in ấn và phát hành ở Việt Nam. Và mới đây (12/2011), bản dịch của tôi về tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ý Cesare Pavese (1908-1950) từng đoạt giải Strega - có tên là "Mùa hè tươi đẹp" cùng với tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, vừa được ra mắt bạn đọc Việt Nam do Công ty sách Phương Nam liên kết xuất bản với NXB Hội Nhà Văn phát hành, nhận được nhiều sự quan tâm của giới trẻ.

Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân

+ Trong "Hành trang ngày trở lại", những trang viết của anh vừa như tự sự, vừa như nhắn nhủ. Những cơn đau âm ỉ không dứt qua từng câu chuyện. Phải chăng, đây là tiếng lòng khắc khoải của những người tha hương nơi đất khách quê người?
- Phần nhiều cộng đồng người Việt ở hải ngoại chỉ sống "bằng nửa tâm hồn", nửa còn lại họ hướng về quê nhà. Riêng tôi, đêm đêm khắc họa những ưu tư, tâm tình về cuộc sống bên trang viết. Đề tài và nhân vật mà tôi chọn thường là những người thân yêu hay xa lạ mà tôi đã gặp trong đời, đã tình cờ hay theo một sự an bài nào đó, trở thành những chứng nhân hay khán giả cho những vui, buồn, rồi tùy theo nhận thức và kinh nghiệm đã trải mà ảnh hưởng, yêu thương hay va đập vào cuộc đời nhau. Có khi, trong một bữa cơm chiều, nhìn ánh mắt hun hút của một đồng hương cao tuổi nhìn ra màn đêm... tôi muốn ghi chép về cuộc đời mang trong tim tấm lòng hoài cổ, lạc lõng giữa trời Tây, xót xa nhìn cuộc sống quanh mình vùn vụt đi nhanh... rồi cám cảnh và thương thân, vì đã lìa bỏ quê hương; nên vật chất tuy sung mãn, nhưng miễn cưỡng nhập khuôn trong dòng sống mà mình cho là vô hồn, rồi vừa bước đi trong dòng chảy mà cứ ngoái lại đằng sau…

+ Viết văn và nghiên cứu dược phẩm thực tế có sợi dây liên kết nào không, thưa ông?
- Thật thú vị, nghiên cứu đòi hỏi tính nghiêm túc, sáng tạo và văn chương cũng cần những tố chất ấy, nên với tôi giữa hai phạm trù này chỉ khác nhau ở khái niệm tên gọi và đối tượng, còn phương thức thực hiện thì mang nhiều điểm tương đồng. Vì lẽ đó, không quá khó để tôi truyền tải cảm xúc và niềm say mê với đồng thời cả hai mảng màu ấy.

+ Bên cạnh công tác nghiên cứu dược, viết sách, ông còn là một trong những người sáng lập Quỹ Tương trợ Người Việt tại Italia?
- Quỹ Tương trợ (QTT) người Việt tại Italia chính thức thành lập ngày 29.3.2002, nay được mở rộng thành Hội Tương trợ Ý Việt, là một tổ chức hoạt động không vụ lợi, mục đích vận động kiều bào tại Ý đóng góp vào những hoạt động hướng về quê hương như kết hợp với các Hội Khuyến học địa phương cấp phát học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại Việt Nam, cứu trợ đồng bào lũ lụt, hỗ trợ các viện mồ côi, viện dưỡng lão, cung cấp thuốc tây và dụng cụ y tế cho đồng bào nghèo,… theo tinh thần tương thân tương ái. Các hoạt động chính của QTT tại Ý xoay quanh việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tạo cơ hội tăng cường sự thông cảm và tin tưởng lẫn nhau trong cộng đồng người Việt; Phát huy, duy trì và tiếp thu văn hóa, phong tục tập quán địa phương để sự ổn định và hội nhập vào đời sống tại Ý ngày thêm hoàn thiện; Khuyến khích và tạo điều kiện cho con em thế hệ thứ hai tìm hiểu nguồn gốc, văn hóa Việt Nam, tạo nhịp cầu trong việc hợp tác Ý - Việt; Thắt chặt liên hệ và sinh hoạt chung với các hội đoàn Ý.

+ Hân hạnh cho người Việt Nam là ông đã "kéo" được nàng dâu ngoại quốc cùng trở về quê hương bên chồng sinh sống. Ông có thể chia sẻ thêm về "vị khách đặc biệt" này?
- Vợ tôi người Ý, tên là Elena. Tôi nghĩ mình may mắn vì Elena không gặp bất kỳ khó khăn nào khi hội nhập trong môi trường sống mới tại Việt Nam. Elena nói được tiếng Việt, am hiểu văn hóa và truyền thống Việt Nam, ăn và chế biến được thức ăn Việt Nam, biết được truyện Kiều và Chinh phụ ngâm... nên về thực tế cô ấy không khác gì người Việt chúng ta. Ở Italia, Elena là giáo viên môn Pháp văn, còn hiện nay, vợ tôi đang dạy tiếng Ý tại Lãnh sự quán Italia và Trường KHXH&NV tại Tp. Hồ Chí Minh.

+ Lĩnh hội song phương cả hai nền văn hóa Việt – Ý suốt ngần ấy thời gian, trong mắt ông, Việt Nam là một bức tranh như thế nào?
- Có thể nói Việt Nam đã "lột xác" theo từng giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực từ Chính trị, kinh tế, văn hóa đến cải cách giáo dục và đời sống an sinh xã hội. Đặc biệt là các chính sách vĩ mô của Việt Nam đã biết khắc phục những nhược điểm, tận dụng cơ hội và phát huy điểm mạnh để kiểm soát tình hình lạm phát hiện nay. Vai trò và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, cũng là một điểm son!

Nguồn: Người Tây Sơn 2012


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: