Tây Sơn không chỉ là quê hương của Anh hùng áo vải Quang Trung, là quê hương của những nhà văn nhà thơ như Quách Tấn, Nguyễn Mộng Giác, là Đất Võ học, mà còn là cái nôi của những bài ca làm đắm say lòng người...
NGƯỜI NHẠC SĨ BÊN BỜ SÔNG CÔN
Nhận xét tác phẩm và con người của ông, nhạc sĩ Thanh Anh nhận xét : "Nhắc tới Vĩnh An là chúng ta nhắc tới Nhạc sĩ của những miền quê"
Nhạc sĩ Vĩnh An |
Nhạc sĩ Vĩnh An ( Đặng Vĩnh An) sinh năm 1929 tại Tây Sơn - Bình Định trong một gia đình đam mê nghệ thuật. Cha là tay đàn giỏi, chú là giọng hát hay, đã từng tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên dân chủ.
Lớn lên trong không khí hát bội Bình Định và hào khí trống trận Quang Trung, sau Hiệp định Genève, Vĩnh An rời vùng tự do Khu V ra Bắc tập kết và nổi tiếng ngay bằng bài hát "Dấu chân trên rừng". Sau đó là "Gửi anh lính bờ Nam" và "Như cánh chim Kơtia". Nhạc sĩ Vĩnh An đã từng là người lính tham gia hoạt động thời kì bí mật, từng giữ các cương vị đại đội trưởng, huyện đội trưởng, trưởng đoàn đoàn văn công quân đội, trưởng ban tuyên huấn... Ở bất cứ cương vị nào, người "nhạc sĩ" trong ông vẫn luôn đam mê âm nhạc, ông vẫn gắn bó cùng cây đàn trong suốt những chặng đường hành quân.
Trong kháng chiến tranh Mỹ, Vĩnh An đã từng đi thực tế đến vùng đất lửa Quảng Bình. Những bài hát "Bà mẹ trên sông Quảng Bình", "Mùa về bên bờ sông Kiến Giang" của ông đã góp thêm những đường nét vào bức tranh âm thanh hoành tráng của Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, một vùng quê được coi là chiếc nôi của nghệ thuật Tuồng, có lẽ vì thế mà màu sắc âm hưởng của môn nghệ thuật này rất đậm nét trong nhiều tác phẩm của Vĩnh An. Bước vào thập kỷ đổi mới, ông trở về quê hương sông Côn của mình và viết ca khúc Đi tìm người hát Lý Thương nhaurất nổi tiếng. Đặc biệt Ca khúc Bên bờ sông Côn viết riêng cho quê hương đất võ Tây Sơn. Ngay khi mới ra đời, nó đã được công chúng hân hoan đón nhận. Trước đây có ca sĩ Thu Hiền, hiện nay ca khúc này đã được một người ca sĩ cùng quê với ông- ca sĩ Kim Thuỷ (Ca sĩ Đoàn nghệ thuật QK7) cũng diễn tả rất thành công…
Sau khi tập kết ra Bắc, ông có người vợ sau là nghệ sĩ Tuồng- NSND Đàm Liên.
Nhạc sĩ Vĩnh An mất năm 1994, để lại hơn 300 ca khúc, hàng chục tác phẩm nhạc không lời cho sân khấu và điện ảnh. Với vốn văn học của một cây bút đã tốt nghiệp Đại học Văn, ông còn viết hàng trăm bản ca từ cho các làn điệu dân ca Bắc, Trung, Nam và hàng chục tác phẩm âm nhạc dành cho sân khấu.
Năm 2007 ông được tặng giải thưởng Nhà nước về VHHT cho các ca khúc Dấu chân trên rừng, Nắng ấm quê hương, Đi tìm người hát Lý thương nhau, Câu hò sông nước miền Trung, Về lại sông Trà, Bên bờ sông Côn…
Nhạc sĩ Trường Tử Ka |
... NGƯỜI VIẾT "CÔ GÁI TẰM TƠ"
Nhắc đến Trường Tử Ka, người Tây Sơn nghĩ ngay đến "Cô Gái Tằm Tơ", một bài hát đã đi vào lòng người, lấy từ mạch cảm xúc câu ca dao địa phương:
Con gái Phú Phong nuôi tằm dệt lụa
Con gái Cây Dừa cấy lúa quanh năm
Trường Tử Ka (tên thật là Phan Kim Anh), sinh năm 1947 tại Phú Phong, Tây Sơn. Từ những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, mặc dù không qua trường lớp hay khóa đào tạo âm nhạc nào, nhưng anh đã tự mày mò sáng tác.
Hai mươi tuổi, anh phiêu dạt lên Pleiku, viết những ca khúc trữ tình, nhẹ nhàng; có đôi bài mang tinh thần phản chiến như "Người em Hà Nội"… Trong những năm 80, anh là Đội trưởng Đội văn nghệ quần chúng thị trấn Phú Phong. Đội hoạt động rất mạnh và đã đạt rất nhiều giải thưởng trong các kỳ Hội diễn NT Quần chúng.
Bên cạnh "Cô gái tằm tơ" anh còn có những ca khúc đi vào lòng người như: Không nơi nào đẹp bằng quê hương, Tình em cây lúa…
Gần 10 năm nay, anh rời Phú Phong lên sinh sống ở Ayunpa- Gia Lai, thỉnh thoảng vẫn sáng tác. Ước mơ của anh là ra được một album "để đời" tập hợp các sáng tác tâm đắc của mình với các giọng ca của quê hương Đất Võ. Mong sao ước mơ đẹp ấy sớm trở thành hiện thực…
CÔ CA SĨ TỪ QUÊ HƯƠNG ĐẤT VÕ...
Sinh trưởng từ một gia đình lao động yêu văn nghệ tại Phú Phong, ca sĩ Kim Thuỷ lại có chị là Kim Phụng (người thể hiện đầu tiên và thành công bài "Cô gái tằm tơ") dìu dắt; nên từ nhỏ chị đã ngấm vào trong người những bài hát về quê hương như "Bên bờ sông Côn" "Người đi tìm điệu hát lý thương nhau" của nhạc sĩ đất võ Tây Sơn- Vĩnh An.
Ca sĩ Kim Thủy |
Năm 1988, trong một dịp tình cờ, phát hiện giọng nữ trầm đẹp (antomezzo) của chị, đạo diễn Phan Ngạn- người phụ trách Đội TTVH Tỉnh đội Bình Định- đã lên tận Phú Phong xin chị xuống Qui Nhơn tham gia Đội.
Năm 1989 (sau khi đoạt huy chương vàng HDVNQC tỉnh với bài hát "Đất nước"- NS Phạm Minh Tuấn) chị đã là giọng ca chủ lực của đội TTVHBĐ. Năm 1991, chị lại đoạt Huy chương Vàng trong cuộc thi giọng hát hay SV-HS toàn quốc với bài hát "Ngẫu hứng lý ngựa ô".
Sau cuộc thi, chị được Đoàn NT quân khu 5 xin về bổ sung cho đội ca. Rời quê nhà, chị bắt đầu ra Đà Nẵng và giọng ca của chi càng được thăng hoa trong môi trường chuyên nghiệp.
Năm1993, chị đoạt giải ba Tiếng hát truyền hình TPHCM trong lần đi thăm người thân ở TP. HCM. Năm 1995 chị đoạt HCV chuyên nghiệp Toàn quốc với bài "Người mẹ của tôi" (Xuân Hồng), 1996 chị đoạt giải giọng hát xuất sắc THTH khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đến 1997, cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội (tiền thân giải Sao Mai hiện nay) chị xuất sắc đoạt giải 2 với bài Ngày em đến (Từ Huy) Tình yêu không lời (Thuận Yến). (Có điều thú vị là do Đoàn NTQK 5 đóng trên địa bàn Đà Nẵng nên khi chị đoạt giải THTH, người ta cứ ngỡ chị là người sinh trưởng tại Đà Nẵng mà thôi!)
Năm 1999, chị lại đoạt giải giọng hát hay Toàn quân với bài nhạc nhẹ mang âm hưởng Chăm "Ka tamara" (Nguyễn Hoàng). Năm 2000, Đoàn NT QK7 đã xin Tổng Cục Chính Trị đưa chị về TPHCM để bổ sung cho đội nhạc nhẹ của Đoàn. Về vùng đất phương Nam, chất giọng chị càng được khán giả chú ý. Ngoài thời gian hát nhạc Truyền thống cho Đoàn, chị là giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh.
Năm 2002, chị mang hàm cấp tá và 2007 và sau khi tốt nghiệp Thanh nhạc tại Đại Học NTQĐ chị được cấp trên bổ nhiệm làm đội trưởng đội ca của Đoàn NTQK 7.
Chị là ca sĩ mà các nhạc sĩ ở Hội Âm nhạc TP. HCM hay đặt hát cho các sáng tác mới (như NS Phạm Minh Tuấn với bài Biển hát, NS Kim Long với bài Thay lời ru anh).
Người nghe nhớ chất giọng trầm ấm của chị với những bài hát trữ tình như: Một đời người một rừng cây (Trần Long Ẩn) Phôi pha, Hà nội mùa thu, Chiều trên quê hương tôi, Xin cho tôi, Môi hồng đào (Trịnh Công Sơn) hoặc Khát vọng (Thuận Yến), Bên em là biển rộng (Bảo Chấn), Quê hương tuổi thơ tôi (Từ Huy), Không còn mùa thu (Việt Anh)…
Năm 2008 chị ra album "Sài Gòn màu nắng cho em", còn năm nay chị đang tiếp tục cho ra album "Chiều trên quê hương tôi". Dù đi xa đã lâu, nhưng mỗi lần có dịp về với quê nhà thân yêu, chị lại cùng các anh trong đội Văn nghệ huyện nhà (như anh Chánh, anh Lãnh, anh Song...) hát những bài hát vượt thời gian như ngày xưa.
Mong sao những năm tới, tiếng hát của ca sĩ Kim Thủy càng bay cao, bay xa hơn nữa…
Nguồn: Người Tây Sơn 2011
Bình luận: